{{Model.AvgRating >= 10 ? "10" : (Model.AvgRating|number:1)}}
{{Model.AvgRating >= 10 ? "10" : (Model.AvgRating|number:1)}}
– Số lượng Line rất nhiều, gồm 11 Lines nên hầu như đi đâu cũng tiện
– Bản đồ, hướng đi, tên trạm rất dễ nhận dạng và khó bị lạc
– Hệ thống tính tiền vé theo dạng Daily Cap – Bạn sẽ hiểu thêm về hệ thống này ở mục sau
– Ít trộm cắp vặt hoặc Scam hơn so với Paris hay Barcelona nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ bị mất cắp trong trạm tàu
– Rất nhiều ghế ngồi nên ít khi thiếu chỗ ngồi
Bạn có thể mua thẻ Oyster Card vật lý hoặc dùng thẻ Visa/Master Card hoặc Apple Wallet để vào trạm tàu. Hoặc bạn có thể mua vé lẻ tại máy bán vé, hoặc mua vé ngày (loại vé giấy)
Nếu bạn chọn dùng thẻ Oyster Card hoặc các loại thẻ Online, bạn sẽ được giảm một ít tiền so với thẻ giấy (khoảng 10% thì phải)
Hầu hết các máy bán vé tại các ga tàu đều có bán thẻ Oyster Card vật lý, đặc biệt là các ga lớn như Heathrow Airport, Paddington, Piccadilly Circus, Leicester Square hay Westminster…
Giá thẻ là 7 Pounds, bạn có thể nạp vào với các mệnh giá 5-10-20 Pounds tuỳ sở thích.
Lưu ý: Vài máy bán thẻ ở London sẽ không thối lại tiền thừa, trong khi vài máy sẽ không nhận tiền mặt, nên bạn nhớ xem hiển thị trên máy có dòng chữ “No Changes Given Back” thì phải chuẩn bị đúng số tiền bạn muốn nạp vào thẻ nha.
Nếu nạp vào thẻ nhưng vẫn còn dư thì bạn có thể yêu cầu hoàn lại số tiền còn dư đó, tuy nhiên tiền thẻ thì không được hoàn. Giá trị sử dụng của thẻ Oyster Card là trọn đời
Như đã nói ở trên, hệ thống The Tubes của London có áp dụng loại phí theo chặng, theo ngày, theo tuần và theo tháng. Nếu là khách du lịch thì mình nghĩ bạn chỉ cần quan tâm vé theo Ngày và theo Tuần thôi.
Hệ thống tàu ở London chia ra thành 9 Zone và giá đi từ Zone này đến Zone khác cũng khác nhau, khá giống với Paris của Pháp
Vé 1 chiều từ Zone 1 – Zone 2 là 2 Pounds, nhưng vé Daily Cap của Zone 1 đến Zone 2 là 8 Pounds
Có nghĩa là không cần biết bạn đi bao nhiêu chuyến từ Zone 1 – Zone 2, chỉ cần trong 24 ngày hôm đó (bắt đầu từ 0h sáng) bạn chi đủ 8 Euro thì bạn được quyền đi lại không giới hạn từ Zone 1 – Zone 2 cho đến hết ngày, mà không cần phải trả thêm tiền
Nếu bạn đi từ Zone 1-2 xong lại tiếp tục từ Zone 2-3 thì chi phí vẫn sẽ tính tiếp. Tức là miễn bạn trả 8 Pounds/thẻ/ngày hoặc hơn, bạn được phép đi lại không giới hạn dựa trên mức Daily Cap của Zone đó. Bạn có thể tham khảo theo bảng dưới đây
Ở London có áp dụng giờ OFF Peak và Peak – tức là giờ cao điểm và giờ không cao điểm. Bình thường, giá vé tàu vào giờ cao điểm sẽ luôn cao hơn giờ không cao điểm
Các ngày lễ hoặc ngày nghỉ T7 CN được tính là giờ OFF Peak cho cả ngày
Một số trạm tàu bạn với các địa danh nổi tiếng ở London mà thể lưu ý như sau
Ngoài hệ thống The Tubes ra thì London còn có 2 ga tàu đi về 2 hướng Nam và Bắc của London là St Pancras International Station – Đi về hướng Nam và King Cross Station – Nhà Ga Ngã Tư Vua trong phim Harry Potter để đi về hướng Bắc và các nước ở khối Schengen
Bộ sưu tập các biển tên trạm tàu London của mình
Ngoài ra, nếu muốn đến Paris, bạn có thể bắt tàu Eurostar từ St Pancras – Lưu ý: Bạn sẽ xuất cảnh UK và nhập cảnh Paris ngay tại ga tàu này – Vì sẽ có nhân viên phụ trách kiểm tra Visa Schengen và hộ chiếu của bạn từ đầu UK để đảm bảo được phép nhập cảnh Pháp trước khi lên tàu
Bên cạnh hệ thống The Tubes, di chuyển ở London còn tiện lợi hơn nữa khi có thêm sự hỗ trợ của Bus hai tầng màu đỏ vận hành bởi TFL.
Đi Bus ở London bạn có thể trả tiền mặt trên xe hoặc quẹt thẻ Oyster cũng giống The Tubes. Chỉ cần quẹt một lần lúc lên là được.
Các tuyến Bus của London đều có thể tra trên App của TFL hoặc Google Map. Thường mình thấy mọi người hay ngồi phía trên tầng 2 vì có view cao hơn.
Một số tuyến Bus khá đông người đi như tuyến băng qua cầu Westminster để đi về phía Tháp Big Ben thì bạn cần đi sớm hoặc chịu khó canh chỗ ngồi, hoặc đi từ một trạm khác nha
Câu hỏi ăn gì ở London, có lẽ thuộc vào dạng câu hỏi kinh điển của những bạn đi du lịch đến Anh Quốc. Nổi tiếng là một trong những nền ẩm thực kém hấp dẫn nhất thế giới, để nói việc ăn gì ở London mà ngon thì mình cũng không dám tự tin khẳng định những món mình đã ăn, được gọi là ngon, nhưng ít nhất thì đó toàn là các món đại diện cho ẩm thực truyền thống của người Anh. Giờ ăn sáng ở London bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 11 giờ 30 sáng, sau đó là giờ ăn trưa và ăn tối. Vậy nên, nếu bạn đến lúc sáng và gọi món trong Menu đồ ăn tối thì dĩ nhiên các nhà hàng sẽ từ chối phục vụ.
Ăn uống ở Anh, người ta hay chia thành các món như Appetizer – Món Khai Vị gồm các loại salad, súp, một số món ăn nhẹ khác. Sau đó là Maincourse – Các món chính trong thực đơn, với khẩu phần ăn lớn. Và cuối cùng là Desserts – Tráng miệng. Ngoài ra bạn cũng có thể gọi thêm các phần Side Dishes ăn thêm khác nữa. Menu rượu tách biệt hẳn với Menu thức ăn. Và mình để ý thì người Anh hay người London rất thích uống bia rượu cho bữa tối, Trà và cà phê cho bữa sáng. Còn lại các loại nước ép, nước có ga thì có thể uống cả ngày.
Ngoài ra thì một số quán Pub hoặc Bar ở London – một trong những đặc điểm mình thấy thú vị nhất ở cả nước Anh, chứ không chỉ ở London – chỉ phục vụ đồ ăn trong một khung giờ nhất định, thường là từ 12 giờ trưa đến 5,6 giờ chiều. Sau khung giờ này thì họ chỉ bán bia thôi.
Một địa chỉ ăn uống quen thuộc, một chuỗi Pub có kèm dịch vụ ăn uống ở UK nói chung và London nói riêng, mà mình rất muốn giới thiệu với mọi người, đó là JD. Wetherspoon (hay còn gọi là Spoon hoặc The Spoon) Đây là chuỗi Pub lớn nhất nước Anh, và dĩ nhiên, không thể thiếu các chi nhánh ở hầu hết các khu vực ở London.
Lý do mình thích Wetherspoon đến vậy, vì đây là “One stop center” cho các món ăn Anh Quốc mà bạn không cần phải suy nghĩ nhiều, rằng sẽ ăn gì hoặc uống gì vì hầu như các món truyền thống Anh Quốc đều có mặt trong thực đơn của Wetherspoon, chưa kể giá tiền cũng phải chăng. Đi kèm với giá cả phải chăng, chỉ từ 3-7 Pounds cho một bữa ăn sáng, và 8-14 Pounds cho một Maincourse ăn trưa. Bạn chỉ cần tải App Wetherspoon để Order hoặc lại tận quầy Order.
Hiện tại, bạn vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt, nhưng vài chi nhánh Wetherspoon đôi khi không có đủ tiền thừa để thối – Ví dụ như Wetherspoon chi nhánh ở Camden Market mình đi hôm Thứ 7 Thực đơn của Wetherspoon sẽ chia ra thành 2 thực đơn là Ăn Sáng và Ăn Trưa + Tối. Giờ ăn sáng đến 11 giờ 30 sáng và giờ ăn Trưa đến ăn Tối kéo dài cho tới lúc quán đóng cửa – 11 giờ đêm. Các món ăn trên Menu có thể gọi Alar Carte hoặc gọi thêm Combo nước. Nếu bạn gọi Trà, cà phê hay Socola nóng thì được uống thoải mái bao nhiêu cũng được. Nếu bạn uống bia thì tính theo Pint. 1 Pint bia là một cốc to, khoảng 500ml hơn và có nhiều loại cho bạn lựa chọn. Một số loại rượu hoặc Cocktail sẽ tính giá riêng nhé.
Các món mà mình hay ăn ở Wetherspoon như Chicken Tikka Masala, Fish n Chips, Pizza hay Ramen. Đặc biệt họ có món mới là gà rán Hàn Quốc ăn cũng ổn lắm.
Còn sau đây là cảm nhận của mình về một số món mình đã thử tại London, giá tiền và địa chỉ, cũng như cảm nhận của riêng mình
Cá chiên và khoai tây chiên. Khoai tây chiên kiểu Anh và không gọi là“French Fries” nên nếu vào nhà hàng ở London mà gọi French Fries là người ta sẽ nhìn bạn bằng một ánh mắt lạ Miếng khoai tây trước khi chiên, được làm 6-7 nên khá to. Cá chiên thì nhiều loại như Seebass, Cod… Nhưng Cod giá rẻ nhất và cũng là loại cá truyền thống. Ăn chung với giấm với sốt Tartar – Cái số trộn giữa Mayonaise với giấm – Thêm miếng chanh vàng nữa. Vị cá cũng bình thường, nhưng món này ngon hay không ở chỗ cá phải tươi, và bột chiên phải đều, giòn rụm, không bở và không bị ỉu hay ngấm dầu nhiều Giá Fish’n Chips dao động từ rẻ nhất là 8 Pounds cho tới 13 Pounds một phần – Khoảng 240-420k, mà phần rất to, một người phải cố gắng lắm mới ăn hết
Địa chỉ tham khảo mà mình đã ăn: Ben’s Traditional Fish n Chips
Quán này có không gian ngồi hơi nhỏ, nhưng sạch sẽ, Menu nhìn vào là hiểu ngay các món đang bán. Đây không phải là nhà hàng, nên các bạn đừng mong nó đẹp hoặc lộng lẫy nha. Giá: 8-12 Pounds một phần ăn
Mình để ý là hầu như ở khách sạn nào trên thế giới cũng có hai loại ăn sáng. 1 là Kiểu Anh với rất nhiều thứ, 2 là kiểu lục địa với bánh mì, mứt và trái cây. Đúng như tên gọi, đây là món ăn sáng truyền thống duy nhất ở Anh nổi tiếng đến mức tên món ăn đã gọi lên nơi bắt nguồn (trừ Muffin cũng là món ăn sáng) English Breakfast gồm cà chua nướng, khoai tây chiên (có hoặc ko), trứng chiên, nấm áp chảo, Gammon Steak, Bacon, xúc xích và đậu sốt cà.
Món này đôi lúc còn có Black Pudding – xúc xích lòng heo – tuỳ bạn có muốn gọi thêm hay không thôi Món này mình ăn ở UK cảm giác chỉ tàm tạm, nhưng đỡ ngán hơn Fish n Chips, được cái giá rẻ, 5-10 Pounds muốn giá nào cũng có, tuỳ vào việc bạn muốn ăn ít hay nhiều, Double hay Triple trứng hoặc Gammon Steak. Lần đầu mình ăn món này ở London, mình thấy cũng ổn, không tệ nhưng không thu hút được mình. Nhưng càng về sau mình càng thấy ngán.
Địa chỉ tham khảo mà mình đã ăn: Chunnel Bar
Quán này khá nhỏ, nằm gần trạm Waterloo. Tuy nhỏ nhưng quán có 2 cái bàn gỗ ngồi ngoài đường, một đặc trưng rất thú vị của quán. Cô chủ quán rất rất nhiệt tình luôn. Kiểu điển hình của cung cách phục vụ ở London á. Giá: 8-10 Pounds một phần ăn
Trạm Waterloo hoặc Lamberth North
Một món nghe qua cứ nghĩ dân Ấn Độ hay Pakistan đem qua Anh từ nước của họ, nhưng sự thật là món này bắt nguồn từ Anh Quốc. Những người di cư đến Anh đã sáng tạo ra món này dựa trên nền ầm thực Ấn Độ Mình cũng ko tin được là món gà cari nấu với sốt cà chua này là của Anh. Mà nhiều khi vì của Anh lấy cảm hứng từ dân nhập cư Ấn nên nó dễ ăn và là món ngon nhất trong đống này. Món này nổi tiếng tới nỗi nhà hàng Ấn hay cả nhà hàng Anh đều có. Món này ăn ổn, cơm nấu là gạo Basmati nhưng không bị khô với tơi quá. Món này ăn chung với bánh mì Naan với Poppadum, giá cũng từ 8-12 Pounds tuỳ nhà hàng
Địa chỉ tham khảo mà mình đã ăn: JD Wetherspoon The Ice Wharf
Giá: 9.5 Pounds một phần ăn kèm nước ngọt
Đặc sản trà chiều sang chảnh của Anh Quốc. Thứ mà hồi xưa mình hay thấy trên phim lúc mấy quý tộc hay ăn uống, hoặc trong phim Alice in Wonderland đoạn nhỏ Alice ngồi ăn với mấy con thỏ trong thế giới tưởng tượng.
Trước tiên là giá của trải nghiệm này. Giá của món trà chiều ăn với bánh này đắt nhất trong các món ăn ở UK mà mình ăn. Vì muốn trải nghiệm nên 35 Pound luôn thuế cũng ko phải là vấn đề. Tính ra tiền Việt khoảng 1 triệu cho một người Món này nên ăn 2 người, vì ăn một người thì số lượng bánh xếp lên tháp bánh có vẻ rất ít. Về món này thì ko quá ngọt nhưng ăn rất ngán, trái với tưởng tượng của mình về một buổi trà chiều ngon lành. Trà sữa nhẹ, không ngọt và cũng không thơm. Các loại bánh thì hơi ngán, gồm có Macaron, bánh Tart, bánh sô cô la hoặc bánh kem các kiểu, creme brulee với muffin hay cupcake gì đó. Tầng dưới thì có bánh Scone ăn với mứt và bơ, một chén bơ to.
Nói chung Afternoon Tea mà ăn lúc 4-5h chiều như mình thì có hơi trễ, nhưng thử cho biết chứ sẽ ko ăn lại. Một phần vì trà quá nhạt nhẽo, một phần là bánh ngán. Còn về hình thức với sống ảo thì đẹp, ngồi ăn ngoài đường mà mấy anh chị Tây đi ngang đều nhìn mình. Lại còn gặp đứa chụp 7749 tấm như mình nữa thì kiểu là tâm điểm của cả một đoạn đường tại quảng trường Trarfalfar
Địa chỉ tham khảo mà mình đã ăn: Cafe Concerto
Mình đã tìm hiểu và chọn quán có giá phải chăng nhất và được đánh giá cao nhất ở gần quảng trường Tralfagar là quán Cafe Concerto. Đối với hình thức trà chiều Anh Quốc thì có khá nhiều giá và mình thấy cũng khá đắt. Quán này mình đánh giá rất cao ở phần trang trí và không gian. Bên trong hay bên ngoài quán đều đẹp như nhau.
Bên trong thì phong cách Châu Âu, còn bên ngoài thì có thể ngắm được dòng người qua lại ở quảng trường Trafalgar luôn. Tháp bánh thì đẹp khỏi bàn rồi. Còn vị thì thực sự không hợp với mình lắm Giá: 28 Pounds một phần cho một người
Một đặc điểm khác mà mình thấy, dù không phải là ẩm thực truyền thống của Anh, nhưng vẫn xứng đáng để mọi người thử – Là đồ Tàu Phố Tàu – Chinatown ở London có rất nhiều quán Trung, mà một đặc điểm rất thú vị mà mình để ý thấy, là họ có các quán chỉ bán Buffet các món đồ Tàu thôi. Các món như cơm rang, mì xào, tôm, thịt hay bò xào theo kiểu Tàu đều có hai lựa chọn. Hoặc ngồi lại ăn, hoặc đóng hộp mang đi.
Giá của hai hình thức này cũng khác nhau. Đóng hộp mang đi, một hộp loại 1000ml giá khoảng từ 5-10 Pounds. Còn ăn tại quán trong vòng 1 giờ thì khoảng 8-15 Pounds Các món này mình thấy cũng không đặc sắc lắm, nhưng rẻ và no, lại còn đủ các loại thịt nữa. Nhìn chung với mức giá này ở London thì quả thật không tệ
Địa chỉ tham khảo mà mình đã ăn: Young Cheng Buffet
Giá: 8 Pounds hộp mang về hoặc 15 Pounds ăn tại nhà hàng
Trạm Leicester Square hoặc Piccadilly Circus
Một đặc trưng của Anh Quốc, mà mình thấy cũng khá thú vị, và các bạn cũng nên thử, là Meal Deal.
Meal Deal là gì? Meal Deal không có gì quá đặc biệt, đây chỉ là sự kết hợp giữa các loại sản phẩm trong các siêu thị như Morrisons, Tesco hay Aldi, WHSmith, hầu hết các siêu thị này đều có Meal Deal.
Khi mua Meal Deal trong các cửa hàng này, bạn sẽ được kết hợp 3 món với giá của chỉ 1 hoặc 2 món cộng lại. Meal Deal chia thành 3 phần và bạn phải mua cả 3 phần để được hưởng giá Meal Deal như sau:
Ví dụ: Giá mỗi món khi mua lẻ có thể lên đến 2-3 Pounds một món, nhưng khi mua Meal Deal gồm combo 3 món, bạn sẽ phải chỉ trả có 3.75 Pounds. Riêng ở WHSmith thì đắt hơn, khoảng 5 Pounds cho Combo Meal Deal.
Nhưng dù là giá nào thì cũng đã rất rẻ rồi, mình không nghĩ có thể rẻ hơn được nữa
Một món đặc sản khác của Anh Quốc là Yorkshire Pudding. Món này ăn cùng với các loại thịt quay, rau củ nướng các loại
Dù vậy, mình được ăn món này với xúc xích nướng tại một nhà hàng ở Scotland. Dù cũng không liên quan lắm, nhưng bạn có thể tìm thử các nhà hàng bán Roast Dinner để được ăn một bữa Yorkshire Pudding chính hiệu nhé
Ngoài ra thì ở London còn rất nhiều món ăn khác mà mình cũng không có thời gian để đi ăn. Vì là một “Melting Pot” của thế giới nên ẩm thực của London, ngoài đồ ăn truyền thống Anh ra, còn là tập hợp của các nền ẩm thực nổi tiếng nhất thế giới như Nhật, Hàn hay Trung Quốc, Ấn. Các bạn cứ từ từ mà thưởng thức nha
Nếu đã no bụng rồi thì phải nghĩ đến ấm cái tấm thân chứ nhỉ.
Về lưu trú cho khách du lịch ở London thì muôn hình vạn trạng. Từ Air Bnb đến khách sạn sang trọng cho tới Dorm đều có đủ các phân khúc giá. Tuy nhiên, mình chú ý thấy các bạn nào ở bờ Bắc sông Thames gồm các quận nổi tiếng như Coven Garden, Holborn, Westminster hay Soho và Mayfair thì hầu như tương đối đắt hơn bờ Nam ở các quận Lamberth hay Southbank
Lý do cũng đơn giản là vì hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng ở London đều nằm ở bờ Bắc sông Thames. Tuy nhiên, vì London có một hệ thống tàu The Tubes nối liền các địa danh, nên mình thấy dù ở bờ Bắc hay Nam thì di chuyển đều cũng khá dễ dàng
Vì style du lịch của mình không quan trọng chỗ ở, mỗi ngày chỉ cần có một nơi sạch sẽ, yên tĩnh để nghỉ ngơi mỗi tối, và cũng vì mình đi khá nhiều, không về lại phòng – nên mình chọn ở Dorm trong các Hostel.
Sau khi so sánh giá giữa các hostel ở các quận London thì mình chọn ở Publove – The Steam Engine tại phía bắc quận Lambert.
Ưu điểm của chỗ này là gần trạm tàu The Tubes – Lambert North, chỉ cần đi bộ khoảng 5 phút là về đến Hostel. Giá cũng phải chăng.
Giá mình đặt trước 3 tháng, vào mùa thu là khoảng 1 triệu cho 1 giường Dorm trong phòng 12 người. Nếu bạn ở phòng ít giường hơn thì giá sẽ rẻ hơn. Với vị trí rất tiện, nằm gần ga tàu lớn Waterloo và quận Westminster thì mình thấy cái giá này là rất hợp lý.
Phía dưới Hostel có quán Bar nhưng được cách âm bằng hai lớp cửa nên tối ngủ không ồn. Ngoài đường cũng không có nhiều phương tiện đi lại do nằm trong đường phụ. Chỉ có một điểm trừ mình không thích ở Hostel này là không gian khá chật, nhà vệ sinh cũng ít. 4 nhà vệ sinh, mỗi cái nằm ở mỗi tầng khác nhau.
Bù lại thì bạn được để hành lý miễn phí khi check out.
Tên: Publove – The Steam Engine
Địa điểm: cách trạm Lamberth North khoảng 400m
Ngoài ra, mình thấy khu vực gần ga tàu St Pancras International và ga King Cross cũng có khá nhiều Hostel giá cũng ổn áp
Bạn chỉ cần bấm nút này và đợi cho xe dừng lại, nếu bạn muốn sang đường ở London
Như đã đề cập ở trên. London là một trong những thành phố lớn và nổi tiếng nhất thế giới. Độ nổi tiếng có thể sánh ngang với Tokyo, New York hay Paris. Vậy nên, ở London có khá nhiều hoạt động và điểm tham quan mà mình nghĩ, để đi hết các điểm này, bạn sẽ mất khoảng từ 4-5 ngày với lịch trình di chuyển hợp lý và không quá dày
Để tiện cho bạn theo dõi, mình sẽ review từng địa điểm mình đã đi ở London theo các quận đặc trưng.
Lưu ý: Đây là cảm nhận riêng cá nhân của mình nên mình không ép các bạn phải đi theo lịch trình này nhé. Các bạn nên tự sắp xếp điểm đến hợp lý
Đầu tiên phải là quận Westminter. Quận Westminster nằm ở phía Tây Bắc thủ đô London. Mình đánh giá Westminster là quận điển hình và đặc trưng nhất của London vì hai trong 3 địa điểm đặc trưng của London – biểu tượng của thủ đô London là Tháp đồng hồ Elizabeth (Big Ben) và Cung Điện Buckingham đều thuộc quận Westminster
1 trong 2 biểu tượng nổi bật nhất của London, nằm ở Westminster là Tháp đồng hồ Elizabeth – tên thật của tháp – mà mọi người hay biết đến với tên gọi Big Ben (Chiếc chuông đồng hồ trong tháp)
Trạm tàu gần Bigben nhất là Westminster hoặc trạm Waterloo cũng có thể ra được chỗ tháp, nhưng trạm Westminster gần hơn
Khu vực chụp ảnh đẹp nhất mà mình thấy là đứng trên cầu Westminster – một trong kha khá cầu bắt qua sông Thames ở London. Ngoài ra còn một góc ảnh nữa ở phía dưới chân cầu Westminster, đối diện tháp Elizabeth.
Nếu bạn may mắn đi ngày trời trong hoặc có hoàng hôn thì nên đứng bên phía đối diện tháp để ngắm là đẹp nhất.
Ngoài đi lại trên cầu hoặc xuống dưới chân cầu, thì bạn cũng có thể bắt tuyến bus đi trên cầu để qua phía bên kia sông Thames. Tuyến bus này mình không đi, nhưng mình thấy có trạm ngay tại chân cầu, chỗ hướng về London Eyes
Khu vực này chụp ảnh đẹp nhưng rất đông người. Để tránh người thì chỉ có cách đi thật sớm, vừa lúc mặt trời mọc, hoặc bạn tìm góc ảnh cận, ít có người. Lưu ý nhỏ là trên cầu Westminster có rất nhiều xe đạp do có làn xe đạp trên cầu, bạn tránh đi vào làn xe này nha
Nếu thăm Tháp Elizabeth xong, bạn có thể đi về phía tay phải, ngay trước cổng vào trạm Westminster để chụp với bốt điện thoại đỏ đặc trưng của London nha. Chỗ này cũng khá đông và thường hay phải xếp hàng để chụp ảnh.
Cung điện Buckingham – địa điểm nổi tiếng nhất và là biểu tượng thứ 2 của London, cũng nằm ở quận Westminster
Trạm tàu gần nhất là Victoria Station hoặc St James Park. Từ 1 trong 2 trạm này, bạn đi bộ dọc theo phố Palace Street khoảng 10 phút sẽ đến cung điện Buckingham
Hiện tại, cung điện Buckingham không mở cửa tham quan cho du khách, trừ The King’s Gallery Buckingham mở cửa cả năm. Đối với The State Room, một trong những căn phòng hoàng gia tráng lệ ở cung điện Buckingham, bạn phải đến London vào mùa hè, từ tháng 7 đến tháng 10 thì mới có cơ hội vào xem gian phòng này. Vé và giá vé có thể xem tại đây
Gần The King’s Gallery có một tiệm bán đồ lưu niệm của Hoàng Gia Anh tên là Buckingham Palace Shop. Mình để ý thấy ở Edinburgh, Scotland cũng có một tiệm gần giống vậy, nhưng là của cung điện Holyroodhouse – một cung điện khác của gia đình Hoàng Gia Anh ở Scotland. Bạn có thể xem thêm về hàng lưu niệm bán trong cửa hàng này tại đây
Trong cửa hàng này thì có bán nhiều thứ gắn mác là sản xuất cho Hoàng Gia Anh hoặc đều là những thứ yêu thích của Nữ Hoàng Elizabeth II như ấm trà, tách trà, trà Hoàng Gia các loại, bánh Shortbread hoặc khăn tiệc trà, magnet có hình nữ hoàng hoặc vương miện của Hoàng Gia Anh.
Tuy giá trong này cũng không rẻ lắm. Các món đều từ 2.5-15 Pounds đối với các món bánh kẹo hoặc trà, từ 25-100 Pounds đối với các món bằng sứ như đĩa trà, tách trà, ấm trà hay thú nhồi bông chú chó Corgi của nữ hoàng, nhưng mình thấy món nào cũng xinh hết, bạn có thể tự chọn theo túi tiền của mình
Ngoài 2 khu vực trên, hiện nay cung điện Buckingham không đón tiếp du khách ở bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, bạn có thể xem màn đổi ca trực của lính canh Hoàng Gia Anh vào khoảng 11-11:30 sáng mỗi ngày. Nhưng không phải lúc nào cũng có lễ đổi ca này. Ngày mình đi không có lễ đổi ca, và có thông báo rõ ràng ngay phía sau cánh cổng của cung điện. Bạn có thể xem lịch đổi ca trực tại đây
Bạn chỉ được đứng từ ngoài cổng chụp vào, hoặc chụp ảnh từ khu vực Vườn Hoa trước cung điện hoặc khu vực đài tưởng niệm nữ hoàng Victoria trước cung điện. Với mình thì cả 2 địa điểm này đều chụp được ảnh đẹp. Một trong những bức ảnh đặc trưng nhất của cung điện Buckingham là chụp từ vườn hoa trước cung điện.
Cạnh bên cung điện Buckingham là công viên St James và The Green Park. Cả 2 công viên này đều khá rộng. Để đi hết một vòng cũng phải mất khoảng 1-2 tiếng. Từ công viên Green Park bạn có thể đến trạm Green Park để đi toilet (nhưng có tốn phí nhé) nếu cần giải quyết, vì trong công viên mình không thấy có toilet.
Ngoài ra gần đó là Fortnum & Mason – một trong những cửa hàng bán bánh kẹo, gia vị và trà nổi tiếng của London từ những năm 1700.
Cũng như cái tên, Quận St James hay Quận Thánh James có diện tích khiêm tốn và đặt tên theo một vị Thánh anh em của Đức Chúa Jesus. Vì mình không thăm Công viên St James nên mình chỉ review về tiệm Fortnum và Masson thuộc quận này
Nếu hỏi mình nên mua quà lưu niệm gì để tặng cho người thân, hoặc đơn giản là mua cho bản thân, nhưng vẫn phải có giá trị, chứ không phải hàng trôi nổi giá rẻ, thì mình sẽ tự tin khẳng định là Fortnum & Mason. Bạn có thể xem thêm về hàng hóa của cửa hàng này tại đây
Được xem là một trong những cửa hàng trà lâu đời của London từ những năm thế kỷ thứ 18, cửa hàng này đã làm mình phải wow từ phần nhìn cho tới phần sản phẩm trưng bày.
Bên ngoài Fortnum & Mason đã rất đẹp rồi, đi trên con phố Piccadilly đã thấy được sự sang trọng và cổ điển của cửa hàng, thì bên trong, hàng hoá lại được trưng bày gọn gàng, sạch đẹp, mà nhìn món nào cũng muốn mua.
Bên trong cửa hàng, từ các loại trà nổi tiếng của nước Anh và cả trà Trung Quốc, được chọn lọc kỹ và đóng gói tinh tế như trà Lapsang Souchong, trà Da Hong Pao hay hai loại trà nổi tiếng của nước Anh được thu hoạch từ các vườn trà ở Sri Lanka như English Breakfast và Earl Grey, đều được trưng bày rất đẹp.
Ngoài ra còn có cà phê được chọn từ những nguồn trồng cà phê nổi tiếng nhất của Brazil hoặc Ethiopia. Những loại trà và cà phê này bạn đều có thể mua theo dạng cân ký tính tiền hoặc mua đóng gói sẵn.
Ngoài trà và cà phê, Fortnum & Mason còn bán rất nhiều các loại bánh kẹo đặc trưng của Anh Quốc như bánh Shortbread, các loại kẹo dẻo, kẹo Marshmallow hay các loại gia vị của nước Anh như Chutney, Sốt Worcestershire hay mật ong Scotland và Jams – mứt các loại.
Đa dạng mặt hàng với phong cách sang trọng, nhưng đi kèm với đó là giá tiền cũng không mấy dễ chịu. Hầu hết giá của các loại sản phẩm sản xuất bởi Fortnum & Mason đều có giá không dưới 10 Pounds cho một món, thậm chí có nhiều món lên đến 30-40 Pounds như một số loại trà hoặc cà phê đặc biệt. Các loại bánh thì dao động từ 10-20 Pounds tuỳ loại.
Một sản phẩm rất thú vị của Fortnum & Mason mà mình khuyên các bạn nên mua, là hộp nhạc có kèm bánh. Hộp nhạc này có 2 phiên bản, hoặc dạng dài hoặc dạng tròn, và được thiết kế với chủ đề “Merry-go-round” vòng xoay ngựa gỗ. Bên trong hộp có các loại bánh phủ sô cô la, hạnh nhân hoặc vị truyền thống. Mỗi khi bạn xoay chiếc hộp, sẽ có tiếng nhạc tự động phát ra, rất thú vị. Giá hộp dạng dài khoảng 16 Pounds, trong khi hộp to dạng tròn là 30 Pounds. Tuy cũng khá đắt nhưng mình thấy một sản phẩm vừa nghệ thuật, vừa ngon lành như vậy thì cũng xứng đáng
Quận này là một trong những quận rất nổi tiếng của London với những con đường mua sắm thuộc các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton, Channel hoặc Gucci.
Nổi tiếng nhất của hai Quận này là hai con phố Bond Street và Regent Street
Bond Street là con phố nhỏ với các thương hiệu lớn như đã kể ở trên. Nếu bạn nào là Fan Taylor Swift và có nghe bài London Boy, chắc hẳn sẽ biết đoạn
Ngoài mấy cái cửa hàng bán đồ xa xỉ như trên, mình thấy Bond Street cũng không có gì thú vị hơn. Nhưng vì có các cửa hàng xa xỉ này nên bên ngoài các store được chăm chút khá kỹ lưỡng, vô tình tạo nên một background chụp ảnh cũng có thể gọi là chất, cho các bạn thích chụp ảnh OOTD theo phong cách “High Street” – những con đường thời thượng ở London
Ngoài Bond Street ra thì còn có Regent Street – một con đường cũng đẹp không kém, nối dài từ trạm tàu Piccadilly Circus tới Oxford Circus.
Con phố Regent Street này mình rất recommend các bạn bắt Bus màu đỏ 2 tầng của TFL để đi hết chiều dài đường, vì cảm giác rất thích, có thể nhìn ngắm hai bên đường phố với các cửa hàng thời trang hoặc đồ hiệu – nếu bạn ngồi hàng ghế đầu trên tầng 2 của bus.
Ngoài ra, gần hai con phố Regent Street và Bond Street là con phố “may mặc âu phục” của London – Savile Row. Bạn nào là fan của loạt phim Đặc vụ Kingsman đình đám chắc hẳn sẽ không quên được phân cảnh nhân vật chính bước vào tiệm may – trụ sở của Kingsman trong phim. Cửa hàng Huntsman & Sons là cửa hàng được chọn để làm bối cảnh cho tiệm may Kingsman trong phim.
Khu này mình đi sớm nên khá vắng vẻ, tiệm cũng chưa mở cửa nên bạn chụp ảnh vô tư
Quận West End là quận kéo dài đến điểm cuối phía tây của Thành Phố London, và cũng là quận nhộp nhịp, đông vui với các loại hình giải trí bậc nhất của London nói chung và nước Anh nói riêng.
Nếu hỏi mình quận nào ở London vui nhất và cuộc sống về đêm ở đó náo nhiệt nhất, thì chắc chắn phải là quận West End
Với khá nhiều trạm The Tubes nối liền các khu vực trong quận như Piccadilly Circus, Leicester Square và Covent Garden, mọi người hoàn toàn có thể di chuyển đến đây bằng phương tiện công cộng là tàu điện mà không cần phải dùng Uber. Mà mình cũng không khuyến khích bắt Uber ở những khu vực này, đặc biệt là khu vực gần Piccadilly Circus và Leicester Square và Chinatown vì mấy khu này thường buổi tối rất đông và dễ bị kẹt xe
Một trong những cái tên địa danh gây “lú” nhất London là Quảng Trường Leicester – một từ có hai âm tiết và bỏ âm “ces” giữa. Trước khi đến London, mình cũng khá sốc với cái cách gọi tên lạ lùng này. Nhưng đã đến London thì phải nhập gia tuỳ tục thôi. Nếu bạn hỏi đường mà vẫn đọc tên của địa danh này bằng từ có 3 âm tiết, thì khả năng rất rất cao người ta sẽ không hiểu bạn đang nói gì
Ngay Quảng Trường có trạm The Tubes – Leicester Square cực kỳ tiện, nên mình cũng khá thích chỗ này.
Chỗ này để review thì nó khá giống Quận 1, đoạn phố đi bộ Nguyễn Huệ của Sài Gòn vậy. 3 con đường Shaftesbury, Coventry Street và Piccadilly Street (thuộc quận St James) tạo thành một tổ hợp ăn chơi, bar, pub và rạp chiếu phim cực kỳ náo nhiệt ở London.
Tối hôm đó mình có dịp ra đây chơi, mà cũng phải ngạc nhiên trước độ sầm uất của khu này. Nói tóm lại là không thiếu dịch vụ nào ở đây hết.
Nếu đi thẳng hướng ngã 3 giao nhau của 3 con đường nói trên, cách trạm Leicester Square khoảng 400m là trạm Piccadilly Circus và cũng là một trạm nổi tiếng của London. Tại khu vực ngã 3 giao nhau này, là nơi được lấy làm bối cảnh quay phim trong phần 1 của phim Harry Potter tập 7 – Bảo Bối Tử Thần, lúc Hermione độn thổ từ ngân hàng Gringotts ra đây. Ở đây mình thấy có thể chụp ảnh chân dung với mấy chiếc Bus màu đỏ 2 tầng của London, chạy qua chạy lại rất đẹp
Đi về phía trên một chút là Chinatown – Khu vực đông đúc nổi tiếng bậc nhất của London về ẩm thực Trung Hoa và Châu Á. Nếu hỏi mình ở đâu bán đồ Châu Á nhiều nhất London thì chắc chắn phải là Chinatown. Cũng giống Chinatown ở California hay ở New York, khu phố Tàu ở London là nơi tập trung của cộng đồng người Hoa, người Anh gốc Châu Á và du khách tìm đến để ăn các món Châu Á – Sau khi đã thưởng thức đủ các món Châu Âu hoặc các nước khác.
Ở đây nhiều nhất là đồ Tàu, sau đó là các nước khác. Và đặc biệt là Trà sữa trân châu. Ngoài đồ ăn thức uống ra, ở đây còn có một quán bar cho các bạn thuộc cộng đồng LGBTQ+ cũng khá sôi động. Với khá nhiều đèn lồng đỏ treo xung quanh những con phố lân cận, mình thấy Chinatown cũng là một địa điểm chụp ảnh khá chất ở London
Ngoài ra, ở West End còn có một cửa hàng bán món Fish n Chips khá nổi tiếng có tên là Ben’s Traditional Fish mà mình có review ở trên
Quận Bloomsbury nổi tiếng với một trong hai bảo tàng lớn nhất London – Và cũng là bảo tàng có giá trị lịch sử lớn nhất thế giới – Bảo Tàng Anh Quốc – British Museum
Bảo Tàng Anh Quốc chắc cũng không còn gì xa lạ với mọi người. Đây được xem là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những bảo tàng có số lượng cổ vật đem về từ các thuộc địa của Anh Quốc khi xưa, thuộc hàng nhiều nhất thế giới.
Mình xem khá nhiều clip trên Tiktok để biết rằng thực dân Anh vét rất rất nhiều các cổ vật từ các nước ở Châu Phi như Ai Cập hay Châu Á như Nhật và Trung Quốc, hay cả ở Châu Âu như Hy Lạp và Ý, sau đó đem về đây để trưng bày.
Vì số cổ vật rất nhiều, nên ngoài các món được trưng bày vĩnh viễn ra, ở đây còn có vài cuộc triển lãm (Exhibition) diễn ra định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý với những chủ đề cổ vật khác nhau.
Trạm gần nhất là trạm Tottenham Court Road.
Bảo tàng này thật sự rất rất rộng, có tới hơn 35 phòng và nhiều tầng, nên mình không khuyến khích các bạn đi cưỡi ngựa xem hoa. Mình đã giành nửa ngày, khoảng 4-5 tiếng trong bảo tàng này, cũng chỉ xem được khoảng 6-7 phòng của các loại cổ vật thuộc Trung Quốc hoặc Ai Cập và Hy Lạp – những nền văn minh mà mình ngưỡng mộ và yêu thích. Đặc biệt là Ai Cập và Trung Quốc.
Vì bảo tàng rất rộng và cũng nổi tiếng, nên việc trong này toàn là du khách nước ngoài, cũng là điều dễ hiểu. Để vào được bảo tàng, bạn có thể đến trực tiếp xếp hàng vào, hoặc đăng ký trước trên website tại đây, sau đó đưa mã đăng ký cho nhân viên xem là bạn được vào trong.
Một điều đặc biệt của hầu hết các bảo tàng ở London, là miễn phí, miễn phí và miễn phí. Bạn không cần phải trả tiền vé vào cửa. Riêng đối với bảo tàng này thì mình thấy càng đúng hơn, vì hầu hết đồ trong này là đều “ăn cắp” từ các thuộc địa mà Anh đã đô hộ trước đây, chứ không phải là cổ vật từ Anh Quốc
Phòng Trung Quốc có rất nhiều các món cổ vật, mà nổi tiếng nhất là cây quạt bằng xương voi của Từ Hy Thái Hậu, đầu bức tượng phật Quan Thế Âm – Bạn nào có biết đến tựa game Black Myth Wukong (2024) chắc sẽ có nghe nói về việc dân Trung Quốc “khịa” dân Anh Quốc về việc ăn cắp mất đầu tượng phật ở Trung Quốc – chính là đầu bức tượng phật này.
Ngoài ra còn có các loại gốm sứ, bình đất nung, ấm trà làm bằng ngọc phỉ thuý và vô số các cổ vật khác. Đặc biệt có một bức phù điêu bằng ngọc thạch được cắt ra làm 4 mảnh mà dân Trung Quốc rất hận thực dân Anh vì đã phá hỏng bức phù điêu này.
Ngoài ra thì ở phòng Ai Cập cũng có khá nhiều di chỉ, cổ vật quan trọng như xác ướp và áo quan tài của chị gái nữ hoàng Cleopatra 7 ở Ai Cập, thời Ptolemy hoặc 4 cái hũ đựng nội tạng xác ướp trước khi tiếng đem vào lăng mộ, các loại quan tài gỗ, xác ướp của một người sống ở thời Ai Cập cổ còn nguyên vẹn, hay những bức phù điêu có chữ tượng hình Ai Cập, hầu hết đều còn nguyên vẹn trong phòng trưng bày Ai Cập
Ngoài phòng Ai Cập thì còn có phòng La Mã và Hy Lạp, với các đầu tượng của những người nổi tiếng, cũng như những chiếc bình kiểu Hy Lạp
Bên dưới sảnh còn có cửa hàng lưu niệm bán đủ mọi thứ về các cổ vật trong bảo tàng như sách, xà phòng, trà, ly sứ, có đủ các chủ đề từ Ai Cập, Nhật, Anh hoặc các nước Châu Phi…
Một địa điểm rộng lớn và nhiều thứ để xem như vậy, mình cũng thấy tiếc vì chỉ đi cưỡi ngựa xem hoa chứ chưa tham quan được nhiều…
Một quận nằm khá xa trung tâm London, ở tận phía tây của London và nằm gần Vườn thực vật Kensington.
Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh Quốc là bảo tàng lớn và nổi tiếng thứ 2 ở London mà mình cực kỳ khuyến khích mọi người nên ghé thăm.
Trạm gần nhất: South Kensington
Lý do là vì trong bảo tàng này có khá nhiều tiêu bản của những động vật lớn như cá voi, voi mamus và khủng long – lý do lớn nhất khiến mình muốn đến bảo tàng lịch sử tự nhiên.
Cũng giống với bảo tàng Anh Quốc, bảo tàng lịch sử tự nhiên rất rộng, và có tới hai tầng, lượng du khách đổ về đây cũng nhiều, nên hầu như lúc nào cũng thấy đông khách.
Bảo tàng này cũng miễn phí. Để tránh phải xếp hàng vào bảo tàng, nếu bạn đi vào mùa cao điểm như mùa hè, bạn nên đặt vé trước trên website tại đây và lưu mã QR lại để nhân viên quét mã. Nhắc lại là bảo tàng miễn phí giá vé nha, bạn chỉ việc đặt vé trên website với giá 0 Pounds thôi.
Vào bên trong bảo tàng, điều khiến mình thấy kinh ngạc và thích thú nhất là bộ tiêu bảng cá nhà tán được treo trên không trung, giữa bảo tàng – rất hoành tráng. Chỗ cầu thang dẫn lên tầng 2 là tượng Darwin – cha đẻ của thuyết tiến hoá. Trên tầng 2 là các loài chim, một số loài thú có vú, cũng như khoáng vật vài vài thứ khác.
Mình đi xem nhiều nhất là tầng trệt – phòng trưng bày về khủng long và phòng trưng bày về thú có vú dưới nước
Ở phòng khủng long, có khá nhiều tư liệu và hoá thạch, thời kỳ khủng long sinh sống như kỷ Jura, kỷ phấn trắng hay kỷ Camry, ngoài ra còn có vài bộ xương tiêu bản của khủng long rất lớn – những thứ mình chỉ được xem trên tivi thôi.
Nói chung vì là miễn phí, nên mình không thể đòi hỏi nhiều ở phòng khủng long được. Số lượng hoá thạch xương, mô hình cũng chỉ ở mức vừa phải, không nhiều cũng không ít, đủ để mấy đứa thích khủng long như mình cảm thấy thú vị và đáng đi.
Còn ở phòng thú có vú, ngoài các tiêu bản da hay mô hình về động vật như voi mamus, hải cẩu, lợn biển hay cá voi, còn có các tiêu bản xương cá voi, cá nhà táng rất to. Chúng được sắp xếp song song để người xem có thể hình dung được sự to lớn của từng loài
Thời gian mình khuyến khích mấy bạn bỏ ra cho bảo tàng này, là khoảng 4-5 tiếng. Vừa đủ để bạn tìm hiểu các thông tin cơ bản về các loài động vật và các mô hình khủng long hoá thạch ở đây
Xứng ngang tầm với Fortnum & Mason và cũng nổi tiếng không kém người hàng xóm chuyên về trà và bánh, là trung tâm thương mại Harrods – một trung tâm thương mại siêu to khổng lồ nằm ở quận Kensington, London.
Trung tâm thương mại này có nhiều tầng, nhưng mình chỉ chú ý vào tầng 5, nơi có Harrods Toys – cửa hàng đồ chơi của Harrods luôn là điểm đến yêu thích của nhiều du khách tới London
Nếu Fortnum & Mason nổi tiếng về trà và bánh, thì Harrods lại chuyên về đồ chơi và phụ kiện. Từ những chú gấu bông đội mũ hoàng gia Anh Quốc cho tới ly thủy tinh, bình nước, túi xách, ô dù hay cả một ít kẹo sô cô la, cũng được sản xuất tinh xảo và đẹp mắt.
Giá hàng hoá ở Harrods cũng không thua kém Fortnum & Masons, thậm chí có khi còn đắt hơn. Hầu hết các món ở Harrods không dưới 20 Pounds, đôi lúc lên đến 100 Pounds là chuyện bình thường.
Vì đây là cửa hàng “Signature” của London nên mình thấy, nếu các bạn muốn mua quà lưu niệm là hiện vật, nhưng vẫn muốn chuẩn London hoặc Anh Quốc, thì Harrods là một lựa chọn không tồi. Tuy nhiên thì chất lượng tốt đi kèm với chi phí cao nhé
Một quận nằm rất xa về hướng đông của London, còn được xem là quận trung tâm tài chính của London vì có khá nhiều trụ sở của các ngân hàng hay các tập đoàn tài chính tại đây. Ngoài việc, đây là quận trung chuyển để đi đến Concert The Voyage của ban nhạc huyền thoại ABBA. Quận này còn là nơi bạn có thể bắt Tàu trên sông Thames – còn gọi là Uber Boat by Thames Clipper, vận hành bởi công ty Uber, để đi tham quan London về đêm trên sông Thames
Trạm tàu gần nhất: Canary Wharf
Mình đánh giá trải nghiệm đi thuyền trên sông Thames của Uber Boat – là trải nghiệm rất rất đáng đồng tiền mà bạn nên thử, khi đến London.
Uber Boat by Thames Clipper là loại phương tiện di chuyển trên sông của thành phố London, bên cạnh Bus 2 tầng màu đỏ và tàu điện The Tubes. Thay vì đi trên đường, thì bạn có thể dễ đang di chuyển tới các bến trên sông Thames ở London bằng tàu (mà mình thấy gọi là phà – Ferry thì đúng hơn)
Để hiểu thêm về Uber Boat thì bạn có thể vào đây xem.
Cơ bản thì hình thức di chuyển này hoạt động như phương tiện di chuyển công cộng và chia thành nhiều Zone như West Zone, Central Zone và East Zone. Trong đó, nếu chỉ muốn ngắm Skyline thành phố London về chiều hoàng hôn và đêm, thì bạn chỉ cần quan tâm Central Zone với trạm đầu ở London Eye Waterloo và trạm cuối ở Canary Wharf. Bạn có thể bắt đầu từ Trạm nào cũng được, nhưng để ngắm hoàng hôn đẹp nhất thì mình khuyên bạn nên đi từ trạm London Eyes ngược về Canary Wharf sẽ đẹp hơn vì hoàng hôn lặn xuống từ phía tây và chiếc Uber Boat chỉ có một điểm ngắm từ phía sau chiếc tàu
Giá vé một chiều dù đi từ hướng nào đi nữa, là 10 Pounds. Bạn có thể mua trước trên website, dùng thẻ Oyster Card để quẹt hoặc dùng thẻ Visa/Master để quẹt đều được. Nên nhớ là bạn phải quẹt lúc lên và cả lúc xuống nhé. Chỉ cần nghe tiếng bip là được.
Một điều mình thấy cần lưu ý khi đi tàu này, là nếu bạn lên trên tàu mà không có chỗ ngồi phía sau đuôi tàu – nơi có không gian thoáng nhất để ngắm thành phố, thì bạn sẽ khá vất vả, đặc biệt là nếu bạn bị say tàu, vì tàu rung lắc khá dữ, hơi khó để giữ thăng bằng nếu không có chỗ ngồi ở đuôi tàu.
Ngoài ra thì từ bến tàu ở Canary Wharf đi về phía trạm tàu điện The Tubes hoặc ngược lại, hướng nào cũng rất xa, phải mất đến 20 phút để đi bộ, vậy nên bạn canh thời gian cho chuẩn nha, vì nếu canh không chuẩn sẽ dễ bị lỡ chuyến phà đẹp nhất.
Nếu bạn đi tháng 8,9 thì thường hoàng hôn sẽ rơi vào lúc 7:30-8:30 tối, bạn có thể lên Accurweather trang web này để xem dự đoán lịch hoàng hôn ở London. Bạn cần canh lên tàu chuyến 20 phút trước khi hoàng hôn tắt là chuẩn nhất, vì chuyến tàu này chỉ kéo dài 20-25 phút. Ngoài ra, nếu ngày bạn tới London mà trời mưa hoặc trời mây mù, thì mình không khuyến khích bạn chọn đi phương tiện công cộng này vào buổi hoàng hôn.
Đây là Concert dành riêng cho những bạn thích âm nhạc của ABBA, hoặc là fan của ban nhạc nổi tiếng từ Thuỵ Điển này. Ban nhạc này đã là một phần tuổi thơ của mình, nên mình không thể bỏ qua cơ hội hấp dẫn này. Vì vậy, mình quyết định sẽ tham gia buổi Concert của ABBA ở London
Nói một chút về buổi Concert ABBA The Voyage của ban nhạc ABBA. Buổi Concert này không phải người thật trình diễn, toàn bộ hình ảnh 100% đều là kỹ xảo 3D dựa trên công nghệ hologram được biên đạo và lấy cử động từ chính các thành viên trong ban nhạc, sau đó được ứng dụng kỹ thuật số để tạo ra những nhân vật sống động như thật.
Khi tham gia buổi Concert này, mình thự sự rất ngạc nhiên và hầu như cũng đã bị shock một ít khi biết được toàn bộ nhân vật trong concert đều là công nghệ kỹ xảo 3D.
Năm 2021, ban nhạc ABBA tái hợp một lần nữa với album mới cuối cùng, mang tên The Voyage. Ngoài ra thì các thành viên ABBA cũng chung tay tạo nên cái gọi là ABBA Arena – Một sân khấu hoành tráng được dựng lên ở ngoại ô London để phục vụ các suất diễn concert sử dụng công nghệ thực tế ảo 3D từ năm 2022
Trạm gần nhất: Pudding Mill Lane
Dù đã mở cửa từ năm 2022, đến giờ đã là 2 năm, nhưng ngày mình đi concert này, mình đã lầm, khi vẫn nghĩ chắc sẽ không có nhiều người tham gia vì concert ngày nào cũng có suất. Sự thật là hôm mình đi là Thứ 5, trong Arena chật kín người, hầu như chỉ còn tầm chục chỗ chưa có người ngồi. Bên ngoài Arena là sảnh giao lưu, đồ uống như bia hay snack được bán rộng rãi, ngoài ra còn có đồ lưu niệm mang thương hiệu ABBA và những tấm poster của các thành viên ban nhạc để mọi người giao lưu chụp ảnh. Mình bị bất ngờ vì độ hoành tráng và sự đầu tư của đơn vị phát hành concert. Mọi người cười nói vui vẻ, các bạn từ Nhật Bản, Philippines, Châu Âu và cả ở Mỹ, tụ tập lại để trò chuyện, vừa ăn vừa nhảy trên nền nhạc của bài “Lay All Your Love On Me” – một bài mình cực kỳ thích của ABBA
Khi cửa mở, đoàn người nhanh chóng ùa vào bên trong Arena để tìm chỗ đứng đẹp nhất trên Dance Floor.
Bên trên là các hàng ghế ngồi với hạng vé Vip hoặc hạng vé cao hơn. Chưa đầy 10 phút, tất cả mọi chỗ đều đã kín. Trên màn hình 65 triệu Pixel ở giữa sân khấu là hoạt cảnh tuyết rơi trong một khu rừng bạch dương khi buổi chiều hoàng hôn đang dần tắt vào cuối ngày. Tổng quan lại là cực kỳ đẹp.
Toàn bộ quá trình tham gia Concert, sẽ có người đứng canh từ phía trên, và bạn tuyệt đối không được quay phim hoặc chụp ảnh. Chỉ cần giơ điện thoại lên là bạn sẽ bị bảo vệ lại nhắc nhở và bắt xoá ảnh, video hoặc nếu không xoá thì bạn ra ngoài không được tham gia nữa.
Trong suốt 1 tiếng 45 phút của Concert, ban nhạc “ảo” biểu diễn khoảng 20 bài hát. Hầu hết toàn là các bài nổi tiếng làm nên tên tuổi của ABBA – và dĩ nhiên không có bài Happy New Year! – Bài hát nổi tiếng nhất mà người Việt biết đến ban nhạc này.
Một số bài hay với hoạt cảnh đẹp trên sân khấu mà mình rất thích là các bài
– Chiquitita với hoạt cảnh là ban nhạc đứng trước một mặt trời đỏ cam dần khuyết đi cho đến khi biến mất vào lúc bài hát kết thúc hoàn toàn
Về cách thức mua vé và giá vé cho Concert ABBA Voyage này thì
Bạn cần phải có tài khoản của TicketMaster – Cái này thì chỉ những bạn sống ở nước ngoài mới có thôi, nên mình nhờ bạn của mình mua giúp. Sau khi mua, bạn sẽ phải đăng nhập tài khoản và lưu mã vé lại để người ta quét mã và đeo vòng Concert cho bạn khi vào trong
Giá của các hạng vé dao động từ 80-180 Pounds. Hạng vé rẻ nhất là Dance Floor – vé đứng trên sàn nhảy Disco giá 80 Pounds (Khoảng 2,4 triệu chưa thuế phí), tính cả thuế phí là 3 triệu – 95 Pounds, còn vé hạng ghế ngồi phía trên thì đắt nhất là ghế ngồi hàng giữa, giá khoảng 180 Pounds (gần 7 triệu)
Nói chung là mình cực kỳ hài lòng, cả đến lúc về rồi mà nhân viên của Concert còn chụp ảnh giúp mình, còn dặn mình cẩn thận điện thoại khi đi chơi ở London nữa
Bao nhiêu bạn đã từng nghe bài này của Taylor Swift nhỉ?
Camden Town là một thị trấn nhỏ nằm ở ngoại ô London, cách trung tâm London khoảng 20 phút đi tàu. Tuy nhiên thì mình thấy, dù nằm ở ngoại ô London nhưng thị trấn này vẫn rất náo nhiệt và sôi động.
Đó là một sáng thứ 7, sau khi lượn lờ hết các con đường ở quận Mayfair, bọn mình quyết định bắt bus 2 tầng đến chợ Camden để đi dạo chợ, trước khi tiếp tục đi tàu tới phim trường Studio Warner Bros.
Với mình thì nếu London buổi tối có khu Soho hay Leicester Square và Piccadilly Circus thì buổi sáng, danh hiệu đông vui, náo nhiệt nhất London chắc phải giành cho Chợ Camden. Cả một đoạn đường dài hơn 1km của Camden đều là các cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo, giày dép, vapes. Cảm giác như cả khu này người ta đều đổ ra bán hàng vậy.
Thời tiết cũng chuyển sang nắng nên trai xinh gái đẹp dắt tay nhau đi Camden Town chơi. Đi trên đường toàn là các bạn trẻ da trắng tung tăng dạo phố. Ngoài mấy cửa hàng bán đồ lưu niệm thuộc loại rẻ nhất London, rẻ hơn cả mấy cửa hàng trong trung tâm London hay gần chỗ Hostel mình ở, thì ơ đây, người ta còn bán đồ ăn nhẹ như dâu sốt sô cô la, kem, bánh waffle.
Có thể là vì sáng thứ 7 mọi người được nghỉ, nên người người nhà nhà kéo nhau đi chơi, nhưng cũng có thể vì khu vực này trước nay vốn vẫn sôi động như vậy.
Đi hết một dọc các shop bán đồ lưu niệm thì đến chợ Camden.
Khu chợ này cũng khá rộng lớn, có 2 khu. Một khu trong nhà và một khu ngoài trời. Khu trong nhà có 2 tầng, chủ yếu phong cách trang trí theo kiểu chợ truyền thống cổ.
Mình thấy trong chợ này, người ta bán chủ yếu là đồ handmart, tranh ảnh tự vẽ, các loại bánh, trà tự làm, anime merchandise hoặc áo thun, áo phông có in ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng của UK – đặc biệt là Taylor Swift và One Direction – đi đâu cũng thấy mấy nghệ sĩ này.
Bên ngoài của chợ Camden là khu vực ăn uống, đồ Hoa, đồ Thái hay đồ Tây đều có. Cam ép, kem, bánh, mì xào hay Kebab, món gì cũng có hết, tuy vậy giá khá đắt so với mặt bằng chung của khu vực ngoại ô. Các món đều có giá từ 15-30 Pounds thôi nên mình không khuyến khích ăn uống ở khu vực này.
Đây là một trong số ít quận của London mà mình thấy thích. Cái vibe của quận Hamstead Heath khá chill và bình yên. Bất kể dù là đi trên đường hay trong công viên Hamstead Heath. Cảm giác kiểu tĩnh lặng, không bị làm phiền bởi tiếng xe, tiếng người huyên náo ở các quận khác trong trung tâm London
Quận này có một công viên với cùng tên gọi. Công viên rất rộng, để đi hết cả cái công viên này chắc phải mất ít nhất cả ngày.
Nằm trong công viên Hamstead Heath, Parliament Hill là một ngọn đồi nhỏ có thể ngắm một phần skyline London từ phía bắc.
Khi chọn đi địa điểm này, mình đơn giản chỉ là muốn ngắm London từ xa, muốn nhìn skyline thành phố theo một hướng hoàn toàn khác. Nhưng tới công viên Hamstead Heath rồi, mình mới thấy tiếc vì không có nhiều thời gian hơn cho khu vực này.
Ngày mình đi thời tiết cũng khá đẹp, người người nhà nhà dắt chó đi dạo, dẫn con đi bộ trong công viên ngắm nhìn cây cỏ. Vài người trải bạt, ngồi xuống bãi cỏ xanh để ngắm nhìn một màu xanh trước mặt của những hàng cây nối tiếp nhau. Một bên ngọn đồi là Skyline thành phố, còn một bên là những ngôi nhà ở khu High Gate.
Sau những ngày đi làm mệt mỏi, bạn có một ngày Thứ 7 thật bình yên, ngồi trong công viên, ngắm nhìn cây xanh, hít thở khí trời trong lành. Nhiều lúc chỉ cần có vậy
Suốt cả 1 tiếng đi dạo trong công viên Hamstead Heath, mình trân trọng từng giây từng phút được hoà mình vào thiên nhiên. Hiếm có một nơi ở thủ đô London mà mình thấy việc bảo tồn không gian xanh, không gian công cộng trong thành phố, lại tốt tới như vậy
Quận Southwark là một trong số ít quận nằm ở phía nam sông Thames của London. Quận được xem là chứng nhân lịch sử của London với nhiều công trình nổi tiếng như cầu London trong bài hát nổi tiếng “London Bridge is Falling Down” hay một chiếc cầu khác cũng là biểu tượng của London – Cầu Tháp Tower Bridge
The Shard – Toà nhà biểu tượng của London và được xem là toà nhà cao nhất thành phố này nói chung và nước Anh nói riêng.
Bạn có thể mua vé lên tầng cao nhất của The Shard để ngắm thành phố London và sông Thames. Thông tin xem thêm tại đây
Nếu tháp đồng hồ Elizabeth (Big Ben) nổi tiếng nằm ở phía Tây sông Thames, thì Cầu Tháp – Tower Bridge lại là địa danh nằm ở phía đông con sông này
Bạn có thể tới Cầu Tháp từ trạm The Tubes – London Bridge hoặc trạm Waterloo, cả hai trạm đều có thể đến được, nhưng trạm London Bridge sẽ gần hơn
Mình đến Tower Bridge vào buổi chiều, trời mát, tại đây có cả một bãi cỏ rộng đủ cho khá nhiều người ngồi ngắm Tower Bridge
Vì là cầu được xây dựng trong trung tâm thành phố, thành cầu cũng khá thấp, nên Cầu Tháp được thiết kế theo kiểu có thể nâng thành cầu lên cho tàu đi ngang qua. Đây cũng là một trải nghiệm khá thú vị khi ngồi ngắm cầu. Về lịch nâng thành cầu, bạn có thể xem thêm tại đây, vì lịch này không có định và có thay đổi
Một điểm mình thấy cũng khá hay nữa, là ở đây có rất nhiều chim hải âu bay lượn xung quanh khu này. Mình chưa thấy có hiện tượng phân chim ở khu vực này, nhưng nhìn chung là sạch sẽ.
Về đêm ở đây cũng rất đẹp, nếu có thời gian các bạn cũng có thể ra đây ngắm cầu ban đêm. Mình thì thấy cầu mở đèn buổi tối rồi, lúc mình đi Uber Boat, nên đêm mình không có ra đây nữa
Một điều mình khá ngạc nhiên khi đến thăm London, là trong thành phố London, còn tồn tại một thành phố nhỏ khác mang tên “City of London” – Lý do cho sự khó hiểu này, chính là sự tồn tại của City of London đã có trước khi thành phố London (hay còn gọi là đại thủ đô London xuất hiện).
Từ thời trung cổ, City of London đã là vùng lõi lịch sử của thành phố London, sau đó thành phố London mở rộng ra như hiện tại, và City of London vẫn là một thành phố nhỏ có khá nhiều quyền, và có cả thị trưởng riêng hẳn so với cả thủ đô London.
Nói tóm lại, City of London giống như một thành phố nhỏ tự trị, nhưng diện tích chiếm vào hạng “quận” của London vậy
Khu vực của City of London nhìn thì thấy tương đối nhỏ, nhưng lại có khá nhiều di tích, công trình lịch sử như Nhà Thờ Thánh Paul và Cầu Millennium
Cầu Millenium nối liền hai quận nhỏ là Blackfrias và Southwark. Đứng từ trên cầu có thể nhìn được Skyline thủ đô London 360 độ, bên phải là Skyline với Cầu Tháp Tower Bridge, trong khi bên trái lại nhìn về phía Westminster
Mình rất thích cầu Millenium này, cảm quan còn thích hơn cả cầu Tower Bridge vì thiết kế nửa bằng kính, nửa bằng thép của cầu rất đẹp. Đứng từ trên cầu lại có thể nhìn ngược về nhà thờ Thánh Paul ở phía sau. Trước khi tiến vào khu vực cầu lại còn một background chụp ảnh với Schoold of City of London cũng rất chất
Ngoài ra, nếu bạn là fan của loạt truyện Harry Potter thì chiếc cầu này từng được dùng cho phân cảnh Voldermort đánh sập cầu Millennium ở London trong phần 1 tập 6 – Hoàng Tử Lai
Harry Potter Warner Bros Studio Tour
Nếu là fan của Harry Potter, chắc hẳn các bạn sẽ biết đến phim trường Warner Bros ở ngoại ô London.
Đây là nơi đã từng được dùng để quay các phần phim trong series điện ảnh Harry Potter nổi tiếng với các bạn 8x,9x và cả 10x
Hiện tại trên thế giới, chỉ có 2 phim trường Warner Bros chủ đề Harry Potter. Một ở London, Vương Quốc Anh và cái còn lại ở Tokyo, Nhật Bản.
Trong đó, phim trường ở London là phim trường nguyên bản, nơi trưng bày các vật dụng được dùng để quay phim.
Ngoài ra, tuỳ vào mùa trong năm, phim trường sẽ có các chủ đề khác nhau thay đổi liên tục như Hogwarts in Snow, Death Eaters hay Return to Azkaban… với các bố cục và bối cảnh trang trí khác nhau, phụ hoạ thêm cho các background đã có trong phim trường
Vậy nên, đến London rồi, bạn cũng không nên bỏ qua phim trường này nhé. Bạn sẽ được sống lại các ký ức trong 7 phần phim Harry Potter khi đến tham quan phim trường
Mua vé vào Phim trường Warner Bros Studio Harry Potter Tour
Để có thể thành công mua được vé vào phim trường này, mình thực lòng khuyên mọi người nên mua sớm trước 2-3 tháng trước chuyến đi, nếu bạn đi vào mùa thấp điểm như mình. Nếu đi vào mùa hè, bạn nên mua càng sớm càng tốt.
Sau hơn 10 năm, độ hot của Harry Potter cũng đã giảm, nhưng fan của bộ truyện và loạt phim này vẫn rất đông. Bằng chứng là hôm mình đi, rất nhiều phụ huynh dẫn con em đi tham quan. Việc xếp hàng vào tham quan cũng khá vất vả. Nên mình nghĩ nếu không săn vé sớm, rất có thể bạn sẽ không có vé vào phim trường.
Để mua vé, bạn vào trang web này và chọn ngày mua nha. Hiện có khá nhiều combo và loại vé khác nhau. Tuy nhiên, vé cơ bản nhất có giá 70 Pounds một người. Nếu có dùng thêm các dịch vụ khác như thức ăn hoặc tiệc trà, bạn có thể mua thêm trong combo
Di chuyển đến Warner Bros Studio Harry Potter Tour
Di chuyển đến phim trường là một ác mộng. Đối với mình thì chính xác là như vậy.
Chặng đường từ trung tâm London đến Warner Bros Studio Tour khá xa, khoảng 2 tiếng nếu đi bằng phương tiện công cộng. Cách rẻ nhất và tiện nhất để đến phim trường là dùng tàu The Tubes, sau đó đổi thêm một chặng bus của phim trường – không phát sinh thêm phí nếu bạn xuất trình được vé vào phim trường
Bạn bắt tàu The Tubes đến trạm Euston, sau đó đổi tàu đến Watford Juction và đợi xe bus của Warner Bros tại trạm Watford Junction. Cả hành trình này kéo dài ít nhất 1 giờ 30 phút. Nếu đi vào cuối tuần thì giá vé đi từ trung tâm London đến Watford Juction là 15,6 Pounds. Nếu đi trong tuần thì khoảng 22.5 Pounds. Tất cả đều có thể trả bằng thẻ Oyster Card.
Hành trình này mệt mỏi ở chỗ bạn phải chuyển phương tiện ít nhất 2 lần. Một lần tại Euston và một lần tại Watford Juction. Nếu không ở ngay Line tàu thẳng đến Euston, bạn có thể sẽ phải đổi tàu đến 4 lần.
Nhưng khi đã đến được Studio Tour. Bạn sẽ thấy mọi sự cố gắng đều xứng đáng
Bên trong phim trường Warner Bros Studio Harry Potter Tour London
Trước và sau khi vào phim trường, bạn sẽ được phát miễn phí một quyển sổ nhỏ – gọi là Passport để bạn giải mật thư và lưu lại các dấu in trên từng trang của quyển sổ. Đây cũng là một vật kỷ niệm khá thú vị mà bạn được phép mang về không mất phí
Trước khi vào tham quan chính thức phim trường, bạn sẽ được phổ biến về quy tắc tham quan và xem một bộ phim ngắn khoảng 10 phút về quá trình hình thành, phát triển và những thước phim từ những ngày đầu ê kíp làm phim thực hiện, cũng như vài lời chia sẻ từ các nhân vật chính trong phim
Sau đó, bạn sẽ được chia theo nhóm khoảng 50-60 người và mở cánh cửa lớn ra, phía sau đó là Đại Sảnh của trường Hogwarts. Tiếp đến là các theme như Phòng Sinh Hoạt Chung, Phòng Chứa Bí Mật, Lớp học Tiên Tri, Lớp Độc Dược, Rừng Cấm, Ngân Hàng Gringotts, các thủ thuật làm giả da Gia Tinh, Ga King Cross – Ngã Tư Vua, các mô hình nhân vật trong phim, Ngôi nhà Dượng Vernon ở Prupet Drive, Xe bus hiệp sĩ bóng đêm và Một mô hình lâu đài Hogwarts cực to.
Xuyên suốt trong quá trình tự tham quan phim trường, bạn có thể chụp ảnh hoặc mua đồ lưu niệm lồng ghép trong mỗi bối cảnh một cách tự do. Sau Theme Ga Ngã Tư Vua là căng tin, ở đây có bán thức ăn và bia bơ – Butter Beer trong phim, với chiếc cốc lưu niệm giá khoảng 6 Pounds.
Ngoài ra thì mình nghĩ, bạn nên giành ít nhất là 4 tiếng cho phim trường này, để có đủ thời gian đi hết các bối cảnh xung quanh. Cuối phim trường sẽ là một cửa hàng rất to bán khá nhiều các loại đồ lưu niệm có liên quan tới phim như bia bơ, kẹo thối tai hoặc sô cô la ếch. Đặc biệt sô cô la ếch khá to nhưng cũng hơi đắt, khoảng 8 Pounds một hộp
Nếu bạn đọc hết tới đây, thì xin chúc mừng bạn, bạn đã xem hết tất cả bài review của mình về thành phố London của Vương Quốc Anh rồi. Chúc bạn sẽ có những ngày thật vui ở London nhé!